Đề án Thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025 chú trọng đến quy hoạch và xây dựng hạ tầng đô thị thông minh, tạo động lực cho sự phát triển trong thời kỳ mới.
Theo đó, Bình Dương đang triển khai lập đồ án quy hoạch tỉnh, tích hợp các nội dung về phát triển đô thị thông minh. Dự kiến sau khi đồ án được duyệt, tỉnh sẽ triển khai lập và điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị gắn với đề án xây dựng thành phố thông minh được duyệt.
Những năm qua, tỉnh cũng quy hoạch, lập dự án và đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông liên khu vực như quốc lộ 13, ĐT741, ĐT744, Mỹ Phước – Tân Vạn, công trình xây dựng đường và cầu nối Bình Dương và Tây Ninh, tuyến đường trục chính Đông – Tây (đoạn từ quốc lộ 1A đến giáp quốc lộ 1K)… Những dự án này giúp kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ giữa Bình Dương và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Trong lĩnh vực giao thông – vận tải, Bình Dương triển khai hệ thống xe buýt Becamex Tokyu sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG); thu phí tự động không dừng trên quốc lộ 13. Tỉnh cũng lập dự án phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh (BRT) thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên. Tuyến BRT này sẽ kết nối các đô thị Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, thành phố mới Bình Dương với TP HCM.
Đường Mỹ Phước – Tân Vạn, một trong những tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương, giao thông vận tải – logistics là vấn đề tiên quyết để tỉnh phát triển trong thời kỳ mới. Trong đó, chú trọng tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt, đường sông và nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ gắn với logistics thông minh.
“Đây là một trong những chìa khóa quan trọng nhất trong liên kết vùng, tiêu biểu là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm giảm áp lực giao thông đường bộ, giảm giá thành sản xuất và thời gian vận chuyển”, ông Long cho hay
Theo đó, ngay trong năm 2021, Bình Dương sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thông minh và logistics thông minh. Tỉnh đang chỉ đạo nghiên cứu chiến lược phát triển logistics Bình Dương trong giai đoạn mới, phối hợp doanh nghiệp, tổ chức, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam để triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng ứng dụng mô hình TOD – đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng, nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến BRT, giao thông kết nối vùng. Địa phương sẽ củng cố hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Song song đó, Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường trục theo hướng bắc – nam, đông – tây, để hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính của Bình Dương nhằm kết nối giao thông nội tỉnh và liên tỉnh. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, viễn thông, công nghệ thông tin, kỹ thuật số – băng thông rộng cũng là giải pháp trong thời gian tới.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành thành phố thông minh Bình Dương cũng khẳng định, Bình Dương đang chỉ đạo xây dựng đề án mới cho giai đoạn tiếp theo, chú trọng đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu công nghiệp khoa học – công nghệ; tiếp tục thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, khởi công tòa nhà WTC BDNC để làm động lực thúc đẩy Bình Dương phát triển trong những năm tới.
Nhờ chính sách đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, đề án xây dựng thành phố thông minh của Bình Dương đã đạt được những thành quả nhất định. Tháng 7 vừa qua, dự án vùng thông minh Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021. Trước đó, hồi tháng 2, Bình Dương – đại diện duy nhất của Việt Nam – lần thứ 3 liên tiếp lọt vào danh sách 21 địa phương, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart21) của ICF.
Năm 2019, tổ hợp dự án khu phức hợp tại thành phố mới Bình Dương đạt các tiêu chí để gia nhập Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới, được công nhận là Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC). Đây là bước ngoặt chiến lược, tạo cơ sở để đột phá trong dịch vụ và thương mại quốc tế của tỉnh.
Theo Vnexpress