Những chuyển động tích cực tại Dự án sân bay Long Thành đang mang lại làn gió mới cho tỉnh Đồng Nai. Kỳ vọng siêu dự án này sẽ tạo động lực nâng cánh kinh tế địa phương bứt phá.
Sẵn sàng khởi động
Trước thềm Đại hội Đảng bộ XI tỉnh Đồng Nai, ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành chia sẻ, sau nhiều nỗ lực, địa phương này sẵn sàng bàn giao mặt bằng để xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Đối với khu vực hơn 1.800 ha phục vụ xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư”, ông Tiếp nói.
Trước đó, theo cam kết với Chính phủ, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện bàn giao mặt bằng khu vực 1.800 ha phục vụ xây dựng sân bay Long Thành (giai đoạn I) trong tháng 10/2020. Dự kiến, trong vài ngày tới, Đồng Nai sẽ tổ chức lễ bàn giao mặt bằng khu vực xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I. Việc bàn giao sẽ được thực hiện giữa 3 bên, cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Nam để đơn vị này bàn giao lại cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Ngoài diện tích khu vực trên, Đồng Nai cũng sẽ thực hiện bàn giao thêm khoảng 500 ha diện tích vườn cây cao su đã thanh lý thuộc khu vực 3.000 ha còn lại phục vụ xây dựng sân bay Long Thành.
Đối với phần diện tích đất khoảng 630 ha thuộc quyền sử dụng của 1.007 hộ gia đình, cá nhân, UBND huyện Long Thành đang đẩy nhanh công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng.
Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của địa phương đã thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 611 hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi khu vực 1.800 ha với tổng số tiền gần 1.300 tỷ đồng, chỉ còn 59 hộ chưa nhận tiền. Theo kế hoạch, 2 đợt chi trả tiền đền bù, hỗ trợ tiếp theo cho 311 hộ gia đình, cá nhân sẽ được thực hiện trong tháng 10/2020. Đối với phần diện tích khoảng 25 ha thuộc diện tranh chấp quyền sử dụng đất, đo bao, hiện các cơ quan chức năng huyện Long Thành đang tập trung xử lý để hoàn thành trong tháng này. Riêng diện tích khoảng 50 ha thuộc diện mua bán giấy tay dự kiến hoàn thành hồ sơ trong tháng 11/2020.
Ông Lê Văn Tiếp cho biết, để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống cho người dân, các cơ quan chức năng của địa phương đang đẩy nhanh tiến độ công tác xét, bố trí tái định cư. Theo ước tính, đối với khu vực ưu tiên 1.800 ha, khi thực hiện thu hồi đất thì nhu cầu tái định cư của người dân là khoảng 700 lô đất. Hiện tại, huyện Long Thành đã hoàn thiện được 324 hồ sơ xét bố trí tái định cư.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn I chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm:
Một là, các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước.
Hai là, các công trình phục vụ quản lý bay.
Ba là, các công trình thiết yếu trong cảng như nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2…
Bốn là, các công trình dịch vụ, trong đó có nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh; khu công nghiệp hàng không; khu logistics hàng không…
Giai đoạn I , Dự án sân bay Long Thành sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Bên cạnh đó, Dự án cũng sẽ xây dựng 2 tuyến đường kết nối gồm tuyến số 1 nối cảng với Quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối cảng với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư Dự án sân bay Long Thành là 109.111,742 tỷ đồng (khoảng 4,6 tỷ USD).
Cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Ở góc độ địa phương, việc triển khai xây dựng dự án quan trọng cấp quốc gia này mang lại nhiều động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho tỉnh.
Chuyển động tích cực trong khâu triển khai đầu tư tại Dự án sân bay Long Thành cùng với những hoạch định của Đồng Nai cho sự phát triển của vùng Long Thành đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Trong tương lai, dự án đặc biệt này sẽ tạo động lực lớn thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế tỉnh có những đột phá mới.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, định hướng không gian phát triển kinh tế Đồng Nai trong giai đoạn tới định hình các huyện Long Thành, Nhơn Trạch là hạt nhân có tiềm năng, dư địa phát triển lớn. Do đó, Đồng Nai sẽ có cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng tốt cho yêu cầu thúc đẩy sự phát triển hai địa phương này. Theo đó, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ – thương mại sẽ được chú trọng. Đồng Nai xác định các trục (tuyến) động lực, bao gồm: tuyến phía Bắc, tuyến phía Tây, tuyến phía Đông để phát triển và đầu tư phát triển đối với các lĩnh vực có tiềm năng, đó là phát triển đô thị; du lịch sinh thái – văn hóa – tâm linh, nghỉ dưỡng chất lượng cao; dịch vụ vui chơi, giải trí…
Từ tầm nhìn này, Đồng Nai đang tập trung xây dựng các quy hoạch chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển. Đặc biệt, chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi dự án sân bay Long Thành và các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đưa vào khai thác. Vùng Long Thành, Nhơn Trạch được xác định là vùng động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ tài chính, logistics, dịch vụ bất động sản.
“Đồng Nai đang tập trung nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó chú trọng việc quy hoạch các tổ hợp công – nông nghiệp – dịch vụ (công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ phục vụ công nghiệp chế biến và nông nghiệp). Cùng với đó, địa phương sẽ điều chỉnh các khu, cụm công nghiệp, khu dịch vụ, du lịch… nhằm đón đầu cho sự phát triển khi sân bay Long Thành khởi động. Quy hoạch phải đi trước một bước và bảo đảm chất lượng định hướng và không gian phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững và chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, ông Dũng nói.
Cùng với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện Long Thành cũng đang được Đồng Nai lập. Được biết, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 chia thành 5 phân vùng phát triển.
Cụ thể, 5 phân vùng vừa nêu bao gồm: Vùng đô thị – công nghiệp phía Bắc sân bay Long Thành (bao gồm các xã An Phước, Long Đức, Lộc An); Vùng đô thị hỗn hợp – sinh thái nông nghiệp phía Nam sân bay Long Thành (bao gồm các xã Phước Bình, Tân Hiệp và một phần xã Bàu Cạn); Vùng lâm nghiệp – du lịch sinh thái phía Đông Bắc (bao gồm các xã Bình An, Cẩm Đường và phần còn lại xã Bình Sơn); Vùng sinh thái nông nghiệp công nghệ cao – đô thị xanh – thông minh phía Tây (bao gồm các xã Long Phước và Long An); Vùng khu vực chức năng đặc thù sân bay Long Thành (xã Bình Sơn).
Cũng theo đồ án trên, định hướng phát triển không gian, vùng huyện Long Thành bao gồm 3 khu vực đô thị là: đô thị Long Thành (đô thị đa chức năng); đô thị Bình Sơn (đô thị gắn với Sân bay Long Thành) và đô thị Phước Thái (đô thị cảng).
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, quy hoạch vùng huyện Long Thành cũng dự trù phương án mở rộng, đầu tư xây dựng mới các tuyến đường giao thông phục vụ sân bay Long Thành. Tầm nhìn của quy hoạch vùng huyện Long Thành là hướng đến xây dựng một vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh Đồng Nai, thuộc vùng đô thị trung tâm và là cực phía Đông của TP.HCM. Trong đó, đến năm 2030, Long Thành cơ bản là huyện công nghiệp phát triển, đến năm 2040 sẽ trở thành một trung tâm đô thị – công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao và vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Theo baodautu.vn