Các địa phương đã ban hành bảng giá đất mới với mức tăng đến 70% so với năm 2019. Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành khung giá đất mới cao hơn khoảng 30% so với khung giá đất cũ. Điều này được dự báo giá nhà đất sẽ tăng mạnh trong năm tới và những năm tiếp theo.
Tăng do bảng giá đất
Dự kiến, bảng giá đất áp dụng cho năm 2020 – 2024 tại Hà Nội sẽ tăng bình quân 15 – 30%, tại Bình Dương tăng 45 – 95%, giá đất tại một số địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng lên tới 5 lần so với bảng giá cũ. Tại TP.HCM bảng giá đất dự kiến sẽ tăng 41% so với giá thị trường… Trong khi đó, dự kiến khung giá đất do Chính phủ ban hành cũng sẽ tăng mạnh.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá thành nhà, đất bao gồm nhiều thành tố, trong đó, có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, trên dưới 30% giá thành nhà phố, trên dưới 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà đất tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
Giá đất tăng, doanh nghiệp phải về tận các tỉnh rất xa TP.HCM để làm dự án
ĐÌNH SƠN
Cũng theo ông Châu, khi khung giá đất, bảng giá đất có mức giá quá cao, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.
Một chuyên gia bất động sản tính rằng, với các dự án bất động sản nhà ở, tiền đất thường chiếm 10-14% giá thành. Do đó, khi giá đất tăng nên giá bán nhà đất chắc chắc phải tăng. Không những thế, chi phí về đất tăng còn kéo theo tất cả các sản phẩm liên quan đến ngành xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch… cũng sẽ tăng giá theo, từ đó đẩy giá thành nhà đất lên cao.
“Gom” hàng chờ tăng giá
“Chạy” giá nhà đất có thể tăng trong thời gian tới, một số nhà đầu tư đã dịch chuyển từ “phố” về “quê” để ôm hàng chờ tăng giá.
Cụ thể, ông Huỳnh Minh Thắng, Tổng giám đốc Thịnh Hưng Holdings, cho hay : “Mới đây Thịnh Hưng Holdings mở bán dự án Vietuc Varea với quy mô hơn 20 ha, gồm 1.200 sản phẩm. Sau khoảng 1 tháng chạy bán hàng đã có khoảng 600 sản phẩm được khách hàng đặt mua với giá bình quân khoảng 14 triệu đồng/m2. Đây là thành công ngoài mong đợi”. Nhiều khách hàng cho biết họ mua thời điểm này để chờ giá tăng “lướt” kiếm lời. Trong khi đó, những người có nhu cầu mua đất để an cư cũng đang cố gắng xoay xở để có tiền kịp mua đất vì sợ qua năm giá đất sẽ tăng, họ không còn mua được đất với giá rẻ nữa.
Ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Seaholdings thừa nhận, thủ tục pháp lý hơn 1 năm qua, nhất là tại TP.HCM “đứng bánh” nên các dự án tại đây triển khai không được khiến nguồn cung bất động sản bị giảm mạnh. Cộng với thông tin bảng giá đất sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khiến các doanh nghiệp phải dạt về các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu thậm chí về tận Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để triển khai dự án. Mới đây công ty ông đã ra mắt dự án The Pearl Riverside ở Bến Lức gồm 250 sản phẩm nhà phố liền kế được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn Singapore và cũng bán khá thành công.
Theo các chuyên gia, các tỉnh lân cận TP.HCM được coi là thị trường mới nổi, giá đất còn rẻ, các dự án quy mô lớn, đầy đủ tiện ích chưa nhiều nên sẽ thu hút các cư dân tại địa phương và các nhà đầu tư khắp nơi đổ về đầu tư.