Trong văn bản gửi Thủ tướng và 4 bộ, HoREA đề nghị sử dụng thống nhất khái niệm căn hộ du lịch (condotel).
Theo HoREA, Thông tư 21 của Bộ Xây dựng giải thích “căn hộ lưu trú (condotel)” là căn hộ nằm trong khu nhà chung cư hỗn hợp, chưa phản ánh đúng thực tế và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu trong khu vực đô thị. Hiện nay, đa số “căn hộ du lịch (condotel)” nằm gọn trong tòa nhà cao tầng độc lập thuộc các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng.
Do Thông tư 21 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, không bao gồm các tòa nhà condotel độc lập trong dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, nên HoREA đề nghị Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật về căn hộ condotel trong các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng để thống nhất quản lý.
Đáng chú ý, hiệp hội cũng thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở” (sổ đỏ) có thời hạn cho condotel.
Cụ thể, HoREA đề nghị cấp sổ đỏ có thời hạn theo thời hạn của dự án cho khách hàng – nhà đầu tư thứ cấp, là người mua biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và cả nhà phố du lịch. Sở dĩ có đề nghị này là do Công văn 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ hướng dẫn cấp sổ đỏ cho biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, không có nhà phố du lịch.
Về quy trình thủ tục, HoREA kiến nghị trước hết, sẽ cấp sổ đỏ condotel cho chủ đầu tư. Sau khi thực hiện hợp đồng mua bán condotel, chủ đầu tư làm tiếp thủ tục chuyển tên trên sổ đỏ cho khách hàng – nhà đầu tư thứ cấp. Khi hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn nếu có nhu cầu, theo quy định của pháp luật đất đai.
Về xử lý chuyển tiếp, HoREA đề nghị xem xét, giải quyết có lý có tình đối với các trường hợp khách hàng mua condotel trước đây và đã được cấp sổ đỏ đất ở ổn định lâu dài không hình thành đơn vị ở (trái pháp luật), nhưng nay bị thu hồi và được cấp lại sổ đỏ có thời hạn theo thời hạn của dự án.
Hiệp hội kiến nghị xem xét xác định thời hạn sử dụng đất cho khách hàng mua condotel kể từ ngày dự án có quyết định giao đất, để khách hàng đỡ bị thiệt thòi.
Về cách tính diện tích phần sở hữu riêng của condotel để thể hiện trong sổ đỏ, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định “phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong tòa condotel”, làm căn cứ để Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn các địa phương ghi diện tích “phần sở hữu riêng của condotel vào sổ đỏ cho khách hàng mua condotel.
Về lâu dài, HoREA đề nghị quy định “phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong tòa condotel” trong Luật Kinh doanh bất động sản, tương tự như Luật Nhà ở quy định “phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong tòa nhà chung cư”.
Khách hàng mua condotel vẫn chưa được cấp sổ đỏ
HoREA cho biết cả nước hiện có khoảng 82.900 căn hộ condotel, 28.100 biệt thự du lịch, 15.660 nhà phố du lịch. Các dự án condotel tập trung chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh du lịch như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu… với tổng nguồn vốn đầu tư vào các dự án ước khoảng 100.000 tỷ đồng.
Sự phát triển mạnh mẽ các dự án condotel trong hơn 10 năm qua đã đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, với tốc độ tăng trưởng khách du lịch trong các năm gần đây, lên đến khoảng 30%/năm đối với khách du lịch nội địa và khoảng 15%/năm đối với khách du lịch quốc tế.
Riêng năm 2019, ngành du lịch cả nước đã phục vụ hơn 85 triệu lượt khách du lịch nội địa và hơn 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, HoREA cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế, bất cấp của loại hình này.
Thứ nhất, đã có tình trạng phát triển nóng các dự án condotel trong thời gian qua, nhưng chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch, ổn định và bền vững.
Thứ hai, hiện nay, đã xuất hiện dấu hiệu “cung” vượt “cầu” căn condotel.
Thứ ba, đã xuất hiện hiện tượng cá nhân nước ngoài “nấp bóng, mua chui” bất động sản tại một số vị trí “nhạy cảm”, nhất là khu vực ven biển.
Thứ tư, chưa xây dựng hoàn chỉnh khung pháp lý để tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh condotel.
Theo HoREA, về cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở” (sổ đỏ), lẽ ra phải cấp sổ đỏ theo thời hạn của dự án, theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn, thiếu kiểm soát và có tình trạng một số địa phương “vượt rào” cấp sổ đỏ đất ở không hình thành đơn vị ở cho condotel, trái quy định pháp luật.
Mặc dù Bộ Tài nguyên Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương cấp sổ đỏ cho condotel, nhưng cho đến nay, khách hàng mua condotel vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Ngoài ra, chưa quy định cụ thể điều kiện huy động vốn, bán condotel hình thành trong tương lai và cũng chưa có “Hợp đồng mẫu” mua bán condotel, nên đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư đã tùy tiện huy động vốn ngay từ thời điểm triển khai dự án; chưa xây dựng đầy đủ quy chế quản lý, vận hành “condotel trong dự án khu du lịch nghỉ dưỡng.
Thứ năm, khi thị trường du lịch gặp khó khăn, đã có địa phương cho phép điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ (du lịch) thành đất ở; chuyển đổi công năng một số tòa nhà condotel thuộc dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thành nhà chung cư theo đề nghị của chủ đầu tư, mà có thể đã chưa đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động dựa trên các căn cứ khoa học và thực tiễn có tính thuyết phục.
“Có thể việc địa phương cho phép chuyển đổi condotel thành căn hộ nhà chung cư, chủ yếu là để hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án”, HoREA nhận định.
Thứ sáu, để bán nhanh, thu hồi vốn nhanh, chốt lời nhanh, một số chủ đầu tư dự án đã thực hiện các chiêu thức như cam kết đảm bảo cho khách hàng mua condotel sẽ được cấp sổ đỏ đất ở ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở.
Cùng với đó đưa ra “miếng mồi” cam kết trả lợi nhuận rất cao, phổ biến từ 8-12%/năm, cá biệt lên đến 15%/năm, trong 8-12 năm, đẩy rủi ro cho khách hàng.
Đề nghị bổ sung nhà phố du lịch
Cũng trong văn bản gửi Thủ tướng, HoREA cho biết điều 48 Luật Du lịch quy định 8 loại cơ sở lưu trú du lịch, trong đó, có “biệt thự du lịch, căn hộ du lịch”.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với thực tế, vẫn còn thiếu một loại cơ sở lưu trú du lịch, đó là “nhà phố du lịch nằm trong khu du lịch nghỉ dưỡng”, còn được gọi bằng các tên “shophouse du lịch”, “boutique du lịch”.
Hiệp hội đề nghị cần phân biệt rõ loại “nhà phố du lịch nằm trong khu du lịch nghỉ dưỡng”, khác với loại cơ sở lưu trú du lịch là “nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê” theo hình thức homestay (quy định tại Khoản 6 Điều 48 Luật Du lịch), vì homestay là cơ sở lưu trú du lịch nằm ngoài các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị bổ sung loại cơ sở lưu trú du lịch “nhà phố du lịch”, vào Điều 48 Luật Du lịch, để thống nhất quản lý.
Lệ Chi
Vietnamfinance.vn